Bạn không thể tư duy vượt ra ngoài cái hộp khi bạn chưa biết trong cái hộp có những gì.

Vậy là một năm mới đã bắt đầu. Trong câu chuyện đầu năm mới 2022 này Tôi xin chia sẻ với các bạn một chủ đề thuộc về lĩnh vực Sáng Tạo qua góc nhìn và kinh nghiệm của cá nhân tôi.

Hẳn là trong mỗi chúng ta đều đã từng một lần nghe đến khái niệm “Tư duy bên ngoài chiếc hôp

Hình tượng chiếc hộp ở đây tượng trưng cho cho những lối mòn trong tư duy, những thói quen cũ, cách làm cũ, những giới hạn về nhận thức, tư duy…

Trong thực tế cái hộp của mỗi chúng ta là khác nhau, điều đó tương ứng với việc giới hạn trong tư duy của mỗi người là khác nhau.

Tại sao vậy?

Theo quan điểm của tôi: sở dĩ như vậy là bởi nền tảng kiến thức của mỗi người về 1 vấn đề là khác nhau, góc nhìn của mỗi người về một vấn đề là khác nhau… Khi chúng ta đứng ở các tầng kiến thức, tư duy khác nhau sẽ cho chúng ta tầm nhìn, tâm thế và các phản ứng khác nhau trước các vấn đề cần giải quyết. Chính điều đó quyết định tại sao có người lại có thể tạo ra nhiều ý tưởng sáng tạo còn có người thì không thể?

Trong thực tế khái niệm “Tư duy ngoài chiếc hộp” đôi khi được dùng như một khẩu hiệu sáo rỗng bởi người nói và người nghe đều chưa hiểu hết bản chất của nó. Chính vì thế khiến những idea được đưa ra không có sự khác biệt, không có tính đột phá…hay nói cách khác là những idea đó chưa vượt qua được phạm vi của chiếc hộp.

Sau khi nghiên cứu và trải nghiệm một thời gian dài tôi nhận ra một sự thật rằng:“Bạn không thể tư duy vượt ra ngoài cái hộp khi bạn chưa biết trong cái hộp có những gì”.

Đúng vậy!

Cái hộp ở đây chính là những hiểu biết, kiến thức hiện tại đang có. Trong thiết kế công nghiệp thì cái hộp ở đây là những hiểu biết của bạn về sản phẩm, về người dùng, về đối thủ cạnh tranh,về công nghệ sản xuất, về vật liệu và cuối cùng là xu hướng, trong xu hướng bạn cần hiểu rõ và nắm được xu hướng thẩm mỹ, xu hướng tiêu dùng và xu hướng khoa học công nghệ liên quan đến sản phẩm bạn đang đảm nhiệm…đó là những kiến thức cơ bản bạn cần nắm được trước khi triển khai bất cứ dự án nào.

Khi nắm vững được những kiến thức nền tảng đó bạn mới có thể làm khác cái đang có, mới có thể sáng tạo ra những idea mang tính đột phá, khác biệt và đặc biệt là đáp ứng được nhu cầu của người dùng và khả năng của doanh nghiệp

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại khi tôi lật ngược lại các vấn đề và tự đặt cho mình các câu hỏi rằng: Chiếc hộp kia từ đâu ra? Và nếu chiếc hộp là đại diện cho những giới hạn trong tư duy thì ai là người đặt ra những giới hạn đó? Phải chăng mỗi chúng ta đang tự tạo cho mình những chiếc hộp vô hình rồi tự bó tư duy của chính mình trong đó và nếu như vậy thì theo thời gian chúng ta sẽ lại đi qua hết giới hạn này đến giới hạn khác mà thôi đúng không nào?

Chính vì vậy trong sáng tạo theo tôi; Chúng ta hãy đừng tự tạo ra những giới hạn cho chính mình rồi lại mất công tìm cách phá vỡ những giới hạn đó. Muốn như vậy thì ngay từ đầu chúng ta hãy đừng tạo ra bất cứ giới hạn nào cả
Có một công cụ sẽ giúp các bạn xử lý các vấn đề, để từ đó tránh được những lối mòn tư duy và đưa ra những idea thực sự tối ưu nhất cho từng vấn đề.

Công cụ đó là: Tư duy thiết kế (Design Thinking)

Sau hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực Thiết Kế Kiểu Dáng Công Nghiệp và gần 10 năm phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực này tôi nhận thấy mỗi đối tác, mỗi dự án đều tự có cho mình một giới hạn riêng. Giới hạn đó có thể là về công nghệ, tài chính, nhân sự hay kiến thức triển khai dự án.v.v.

Tuy nhiên khi chúng ta là những nhà thiết kế, những người làm về sáng tạo được đối tác lựa chọn thì chúng ta phải có trách nhiệm tìm ra những giải pháp tối ưu nhất, cho vấn đề mà khách hàng, đối tác của chúng ta gặp phải. Khi đó Design Thinking sẽ giúp bạn xử lý được vấn đề đó.

Tổng kết.

“Tư duy ngoài chiếc hộp”, “Tư duy trong chiếc hộp” hay “Tư duy thiết kế”, “Tư duy sáng tạo” là những khái niệm vẫn luôn tồn tại song song. Điều đó chứng minh rằng các khái niệm đó vẫn có những giá trị của riêng nó cho từng khía cạnh của Tư Duy. Vấn đề ở đây là cách chúng ta sử dụng nó như thế nào trong từng trường hợp cụ thể.

Nội dung bài viết tôi đưa ra thuộc về góc nhìn và trải nghiệm cá nhân. Chính vì vậy tôi rất mong muốn được lắng nghe những chia sẻ của các bạn về vấn đề này.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi đến cuối bài.

Chúc các bạn năm mới có thật nhiều sáng tạo mới có ích cho cộng đồng và xã hội!