Làm sao để kiểu dáng sản phẩm của bạn trở lên khác biệt?

Đã bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao kiểu dáng của các sản phẩm trên thị trường nhìn giống nhau đến vậy? Tôi tin rằng có rất nhiều bạn cũng đang băn khoăn về vấn đề này?

Hôm nay tôi sẽ chia sẻ với các bạn một quan sát của tôi trong quá trình nghiên cứu về Kiểu Dáng Công Nghiệp và tôi nghĩ nó cũng rất có ích cho các bạn!

Chúng ta bắt đầu nhé!

Bạn có đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế Kiểu Dáng Công Nghiệp không?

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao các sản phẩm do mình thiết kế ra không có nhiều sự khác biệt so với các sản phẩm trên thị trường? Hay tại sao các sản phẩm trên thị trường bây giờ nhìn giống nhau đến thế? Giống từ phom dáng đến tông màu cũng như cách thức chia tỷ lệ hình khối trên sản phẩm.

Vậy vấn đề ở đây là gì? Hãy chia sẻ với tôi quan điểm của các bạn cho vấn đề này nhé!

Theo quan điểm của tôi thì vấn đề đến từ chính thói quen của nhiều nhà thiết kế. Chúng ta hãy cùng nhìn nhận lại một chút nhé. Mỗi khi nhận được một yêu cầu thiết kế thì việc đầu tiên các bạn làm là gì? Tôi dám khẳng định rất nhiều bạn ngay lập tức tìm kiếm trên Google, Pinterest hay một số nền tảng khác… đúng không nào?

Các bạn có tin được không? Chính những thuật toán trực tuyến trên các trang mà các bạn sử dụng đang tác động và chi phối chính chúng ta từ góc nhìn, cảm nhận, phương pháp cho đến tư duy về tạo hình.

Bạn có đồng ý với tôi rằng: Chúng ta rất dễ bị thu hút bởi những hình ảnh sản phẩm được render đẹp mắt, những sắc màu tươi vui… tất cả những điều đó khiến chúng ta thích thú, nó dẫn dắt và kéo chúng ta đi theo một đám đông, một phong trào, càng nhiều người làm theo, đi theo thì nó trở thành xu hướng hay nó trở thành những trào lưu.

Nếu bạn vào Pinterest và tìm kiếm một “Từ khóa” nào đó, ngay lập tức thuật toán của Pinterest sẽ hiển thị cho bạn bất cứ điều gì mà nó nghĩ sẽ thu hút sự chú ý của bạn và giữ bạn trên trang web đó. Sau một thời gian, thuật toán phát hiện ra rằng bạn là một nhà thiết kế và nó bắt đầu cung cấp cho bạn những hình ảnh về chủ đề mà bạn đang quan tâm. Và có rất nhiều các nhà thiết kế khác cũng cùng tìm những từ khóa giống như bạn.

Vậy điều gì sẽ xảy ra khi rất nhiều nhà thiết kế cùng chung một khối tài liệu như nhau. Tất cả các ứng dụng khác như google, Instagram, twitter cũng đều tương tự. Các thuật toán này sẽ theo dõi qua trình duyệt của chúng ta trên các trang web khác nhau và tiếp tục cung cấp cho chúng ta những gì mà chúng ta có thể thích.

Chính vì thế,

Tất cả chúng ta đang xem những hình ảnh giống nhau, có những dữ liệu giống nhau. Và nếu tất cả các nhà thiết kế công nghiệp đều đang xem những hình ảnh giống nhau để tìm cảm hứng thì điều gì sẽ xảy ra?

Tôi tin bạn đã có câu trả lời của bạn cho câu hỏi này đúng không? Và đó chính là một trong số những lý do chính dẫn đến việc các sản phẩm có kiểu dáng giống nhau.

Vậy chúng ta nên làm gì để cải thiện khả năng sáng tạo và tạo ra những kiểu dáng hoàn toàn khác biệt?

Liệu chúng ta có nên dừng sử dụng các nền tảng trực tuyến kia và tìm một cách lấy cảm hứng khác?

Theo tôi các nền tảng đó cũng rất rất hữu ích đấy chứ? Quan trọng là cách chúng ta sử dụng nó như thế nào.

Khi công nghệ phát triển nó giúp chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận và nhìn thấy được các nhà thiết kế như mình trên thế giới đang làm gì, từ đó có thể giúp chúng ta giao lưu, học hỏi và chia sẻ những dự án của chúng ta ra thế giới. Bởi các nền tảng đó ngoài việc góp phần vào định hình và xác định các xu hướng thiết kế thì nó còn giúp chúng ta chia sẻ những giá trị của chúng ta ra cộng đồng và rất có thể rất nhiều nhà thiết kế khác cũng đang theo dõi và chịu sự ảnh hưởng từ bạn phải không nào?

Vậy vấn đề ở đây là nên sử dụng các nền tảng đó như thế nào cho hiệu quả, cách sử dụng và thời điểm sử dụng.

Ngoài ra bạn có thể tìm đến thiên nhiên. Qua việc hòa mình vào thiên nhiên thì cảm xúc của bạn được thoải mái và chắc chắn rằng bạn sẽ tìm được những cảm hứng thiết kế qua việc quan sát kỹ nhiên nhiên. Chúng tôi thường nói vui vui là “mỗi khi bí ý tưởng thì hãy tìm đến thiên nhiên

Ngoài ra, 

Với tôi công cụ Design Thinking cũng là một công cụ vô cùng hữu hiệu giúp chúng ta tạo ra nhiều ý tưởng khác biệt. Qua việc thực hiện các bước trong design thinking tôi tin rằng bạn sẽ cải thiện được vấn đề mà chúng ta đang bàn.

Bước 01: Qua việc nghiên cứu kỹ người dùng, hiểu đối thủ cạnh tranh, hiểu thị trường, môi trường sử dụng, nắm được công nghệ sản xuất, vật liệu sử dụng và đặc biệt là nắm bắt được xu hướng … từ đó chúng ta hoàn toàn có thể thấu hiểu được mong muốn của người dùng, mong muốn của doanh nghiệp, tính khả thi về công nghệ và khả năng đầu tư cho dự án từ đó chúng ta có thể chuyển sang bước 2.

Bước 2: Qua các dữ liệu nghiên cứu từ bước 1 giúp chúng ta có thể xác định rõ được các vấn đề và định hướng cho việc phát triển sản phẩm. Khi làm rõ được nội dung này tôi tin chắc là các bạn sẽ nắm rõ được 60% sản phẩm sẽ phải làm như thế nào.

Bước 3: Đây là bước chuyển hóa những thông tin trừu tường thành những ý tưởng cụ thể. Ở đây tôi xin nói riêng về ý tưởng cho Kiểu dáng Công Nghiệp.

Để tránh việc tạo ra các sản phẩm thiếu điểm nhấn và không khác biệt mấy so với các sản phẩm trên thị trường thì chúng ta cần bám sát vào định hướng đã được xây dựng ở bước 2 kết hợp với việc nắm vững kiến thức nền tảng về tạo hình như: Tỷ lệ, ngôn ngữ và bố cục tạo hình.

Bạn có thể dùng công cụ Design thinking và kiến thức nền tảng về tạo hình để giải quyết vấn đề về Kiểu Dáng Sản Phẩm.

Tôi tin rằng với những nền tảng đó kết hợp cá tính riêng của mỗi nhà thiết kế thì chắc chắn một điều là chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm mang tính khác biệt cao.

Bước 4: Làm mẫu sản phẩm. Đây là công đoạn đưa những hình ảnh, bản vẽ của bạn trở thành những mô hình vật lý. Tùy vào từng tính chất từng sản phẩm mà chúng ta có thể làm mẫu tổng thể hay từng bộ phận của sản phẩm.

Bước 5: Thử nghiệm. Đây là quá trình dựa trên mẫu sản phẩm đã triển khai ở bước 4 để đánh giá từ ngoại quan đến thử nghiệm các cơ cấu vật lý, nhân trắc học… Kết thúc quá trình này là giai đoạn tổng hợp vấn đề, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ thiết kế và chuyển giao sang giai đoạn sản xuất.

Hy vọng những chia sẻ của tôi sẽ cung cấp cho các bạn những góc nhìn hữu ích. Các bạn nhớ chia sẻ lại với tôi quan điểm và góc nhìn của các bạn về chủ đề này nhé.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi hết bài viết!