Thiết Kế Công Nghiệp (TKCN) – Tiêu chí đánh giá một sản phẩm Thiết Kế Công Nghiệp

Chúng ta cùng bắt đầu tuần mới bằng một vài câu hỏi mà nhiều bạn đã ib hỏi tôi trong thời gian qua: “Hiểu như thế nào về Thiết Kế Công Nghiệp (TKCN) – Kiểu Dáng Công Nghiệp (KDCN) và – Tiêu chí để đánh giá Thiết Kế Công Nghiệp”.

Vấn đề này vẫn còn nhiều nguồn ý kiến khác nhau nhưng nội hàm của nó vẫn có những điểm chung. Sau nhiều năm nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực này; tôi cũng xin chia sẻ về vấn đề này dưới góc nhìn của cá nhân tôi, hy vọng sẽ cung cấp cho các bạn một góc nhìn bổ ích.

Khái niệm Thiết Kế Công Nghiệp(TKCN)

Hiểu một cách đơn giản đây là chuyên ngành Thiết Kế, tạo ra các sản phẩm tối ưu về tính năng, chi phí và thẩm mỹ nhằm phục vụ cho mục đích sản xuất Công Nghiệp với số lượng lớn và có khả năng chuyển giao được công nghệ.

– Theo Hiệp hội Thiết kế công nghiệp Hoa Kỳ: “Thiết kế công nghiệp là chuyên môn được dung để tạp ra và phát triển các concept cũng như thông số sản phẩm nhằm mục đích tối ưu hóa các tính năng, giá trị và hình dáng sản phẩm cũng như hệ thống nhằm phục vụ lợi ích của cả người dùng và nhà sản xuất” (khái niệm này được nêu lại trong cuốn Thiết Kế Và Phát Triển Sản Phẩm của TS Trần Anh Tuấn – Meslab). Có lẽ đây là khái niệm tôi thấy đầy đủ nhất về ngành TKCN.

Theo định nghĩa này thì một Nhà TKCN không chỉ đơn thuần là người vẽ ra một hình dáng sản phẩm nhìn đẹp mắt mà còn phải kết hợp với các bộ phận liên quan để đưa ra một sản phẩm tối ưu về thông số, tính năng, giá trị và hình dáng, tính khả thi về sản xuất của sản phẩm… Nhà TKCN được xem như là mắt xích nằm ở giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Chính vì vậy TKCN là ngành đòi hỏi người theo đuổi có một kiến thức rất rộng. Ngoài khả năng tạo hình thì nhà thiết kế còn phải am hiểu về công nghệ, vật liệu, các phương pháp gia công sản xuất, hiểu về marketing, kinh doanh, tâm lý – thói quen người dùng, văn hóa vùng miền, xu hướng…

Khái niệm Kiểu Dáng Công Nghiệp (KDCN)

Theo Cục sở hữu trí tuệ: “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố này”. Theo đó “Sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phân dùng để lắp ráp hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập”. – Thiết kế KDCN là một khái niệm nằm trong và là một thành phần của khái niệm Thiết Kế Công Nghiệp.

Khi nói về KDCN là đơn thuần nói về hình dáng bên ngoài của sản phẩm. KDCN giữa dòng sản phẩm này với dòng sản phẩm khác, giữa sản phẩm của đơn vị này với sản phẩm của đơn vị khác được phân biệt bởi tuyến hình, tỷ lệ, hình khối, đường nét, màu sắc, các yếu tố này tựu trung lại là ngôn ngữ của sản phẩm. Tuy nhiên hình dáng đó không đơn thuần được tạo ra một cách đơn giản và tùy tiện. Nó chịu sự ảnh hưởng bởi các yếu tố như: chức năng của sản phẩm, công nghệ – vật liệu dùng để gia công và chế tạo sản phẩm đó, phong cách và ngôn ngữ mà thương hiệu sở hữu sản phẩm theo đuổi, đối tượng sử dụng, phân khúc, không gian sử dụng… tất cả đều có tác động đến kiểu dáng của sản phẩm.

Chính vì các yếu tố trên; nên nếu nhà thiết kế chỉ chăm chăm vào việc vẽ sao cho có một hình dáng đẹp mà quên đi việc phải phân tích và nghiên cứu về chức năng của sản phẩm, công nghệ – vật liệu sử dụng cho việc sản xuất sản phẩm, quên việc phải phân tích người dùng, phân khúc sản phẩm… thì sản phẩm rất khó có thể khả thi để đưa ra thị trường được.

Vậy tiêu chí nào để đanh giá một sản phẩm Thiết Kế Công Nghiệp?

Trong cuốn Thiết Kế Và Phát Triển Sản Phẩm của TS Trần Anh Tuấn – Meslab có nêu 5 mục tiêu của TKCN trong đó bao gồm: sự tiện dụng, tính thẩm mỹ, khả năng bảo trì, khả năng giảm chi phí, khả năng giao tiếp, tương tác và cuối cùng là an toàn cho người dùng.

Dựa vào đây kết hợp với các tiêu chí của cục SHTT tôi có xây dựng bộ 9 tiêu chí để đánh giá một sản phẩm TKCN như sau:

Tiêu chí 1. Tính mới, tính sáng tạo: Sản phẩm TKCN được coi là có tính mới, tính sáng tạo nếu sản phẩm đó khác biệt đáng kể so với những sản phẩm đã được công bố trước đó.

Tiêu chí 2. Sự tiện dụng: Nói đến sự tiện dụng là nói đến tính năng của sản phẩm. Sản phẩm được tạo ra phải đảm bảo được tính năng như mong muốn và phục vụ tối đa nhu cầu của người dùng

Tiêu chí 3. Tính thẩm mỹ: Nói đến thẩm mỹ của sản phẩm vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Thẩm mỹ được thể hiện qua 2 khía cạnh đó là vật lý và phi vật lý. Khía cạnh vật lý được thể hiện qua: tỷ lệ, tuyến hình, hình khối, đường nét, màu sắc, chất liệu, cấu trúc…các yếu tố nhìn thấy được của sản phẩm, tất cả được thể hiện một cách hài hòa qua các thủ pháp tạo hình. Khía cạnh phi vật lý là những câu chuyện phía sau ý tưởng tạo hình của sản phẩm, là những thứ mà mắt thường không nhìn thấy dược. Việc kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa khía cạnh phi vật lý và vật lý sẽ giúp nhà thiết kế truyền tải được thông điệp và cảm xúc đến với người sử dụng sản phẩm.

Tiêu chí 4. Khả năng bảo trì: Trong quá trình sử dụng sản phẩm phải đảm bảo khả năng bảo trì và sửa chữa một cách dễ dàng.

Tiêu chí 5. Khả năng giảm chi phí: TKCN nhằm góp phần tối ưu chi phí cho việc sản xuất, vận chuyển. Chi phí có thể được tối ưu qua việc tính toán kỹ lưỡng kiểu dáng sản phẩm qua đó giúp tiết kiệm nguyên vật liệu, tối ưu thao tác lắp ráp sản phẩm, tối ưu kích thước giúp việc tiết kiệm chi phí đóng gói, vận chuyển…

Tiêu chí 6. Khả năng giao tiếp, tương tác: Tiêu chí này thể hiện qua việc tác động qua lại giữa sản phẩm và con người. TKCN cần tính toán rất kỹ thói quen của người dùng và đưa ra các giải pháp giúp cho việc tương tác giữa người và máy, giữa máy với con người được hiệu quả và dễ dàng.

Tiêu chí 7. An toàn cho người dùng: An toàn là một yếu tố vô cùng quan trọng. TKCN phải đảm bảo tính toán kỹ nhằm giúp người dùng tránh khỏi những nguy hiểm khi sử dụng sản phẩm. Trong thực tế nhiều doanh nghiệp đã phải trả giá khi không tính toán kỹ sản phẩm khiến người dùng gặp phải những nguy hiểm khi sử dụng.

Tiêu chí 8. Đáp ứng khả năng sản xuất công nghiệp số lượng lớn và có thể chuyển giao được công nghệ: Đây là đặc điểm để phân biệt giữa sản phẩm công nghiệp và sản phẩm thủ công, đơn chiếc. TKCN cần phải đảm bảo đưa được sản phẩm lên dây truyền sản xuất công nghiệp và có thể chuyển giao công nghệ để có thể sản xuất ở bất cứ đâu, bất cứ nhà máy nào có cùng công nghệ, máy móc đều có thể tạo ra sản phẩm với một chất lượng tương đồng.

Tiêu chí 9. Đáp ứng theo đúng định hướng phát triển của doanh nghiệp: TKCN phải đảm bảo theo đúng định hướng của doanh nghiệp về chức năng, chủng loại, thị trường, phân khúc, đối tượng sử dụng và đặc biệt là về mặt hình ảnh được quyết định bởi ngôn ngữ thiết kế mà doanh nghiệp đang theo đuổi. Nếu không chú ý đến tiêu chí này thì sản phẩm sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường cả về chức năng, giá thành và hình ảnh.

Trên đây là một số quan điểm của tôi về chủ đề này. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp ích được cho các bạn đang muốn tìm hiểu về ngành TKCN. Rất mong nhận được những chia sẻ của các bạn về chủ đề này để chúng ta có cái nhìn đúng nhất về ngành TKCN và hãy cùng tôi xây dựng những tiêu chí chuẩn nhất để đánh giá TKCN.